SINH LÝ ĐÀN ÔNG
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Kiêng ăn gì khi yếu sinh lý?

Theo y học cổ truyền, để phòng chống các chứng bệnh được gọi là “yếu sinh lý” như liệt dương, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục... ngoài việc dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp và tập luyện khí công dưỡng sinh còn phải chú ý lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp.

Với quan điểm “dược thực đồng nguyên”, việc sử dụng đồ ăn thức uống nào đó đều phải tuân thủ nguyên tắc “biện chứng luận trị”, nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và tình trạng bệnh tật cụ thể của mỗi người mà trọng dụng hoặc kiêng kỵ các loại thực phẩm cho thích đáng. Bài viết này xin được tư vấn những đồ ăn thức uống mà người bị yếu sinh lý cần hạn chế sử dụng hoặc kiêng kỵ hoàn toàn.
 
Với thể thận dương hư

Chứng trạng: Sợ lạnh, dễ bị cảm, dễ vã mồ hôi, tay chân lạnh, da mặt trắng nhợt, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện trong, hay đi tiểu về đêm hoặc đi lâu không hết bãi, có thể có phù thũng, liệt dương, di hoạt tinh, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế...



Nên kiêng: Đồ ăn thức uống có tính lạnh như thịt trâu, cua, ốc, trai, hến, ngao, dưa hấu, dưa chuột, bí đao, mướp, khổ qua, rau đay, mùng tơi, rau cần, rau rút, măng, rong biển, đậu phụ, đậu xanh, giá đỗ, cà rốt, mã thầy, củ đậu, nấm kim châm, táo tây, lê, chuối tiêu, trà hoa cúc, trà bát bảo...
Với thể thận âm hư

Chứng trạng: Người gầy, có cảm giác nóng trong, ngực bụng buồn bực không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đổ mồ hôi trộm, ngủ kém hay mê, miệng khô họng khát, lưng đau gối mỏi, thích uống nước mát, di tinh, liệt dương, chất lưỡi đỏ khô, ít hoặc không có rêu, mạch tế sác...

 Nên kiêng: Đồ ăn thức uống có tính cay nóng như thịt dê, thịt chó, ớt, hạt tiêu, quế, hồi, sa tế, sa nhân, rau hẹ, hành tây, tỏi, lạc rang, nhãn, vải, nhục dung, tỏa dương, nhân sâm, nhung hươu, rượu, thuốc lá...

Với thể tâm tỳ lưỡng hư

Chứng trạng: Sắc mặt vàng úa, mệt mỏi, có cảm giác khó thở, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp trống ngực, hay quên, ngủ kém hay mê mộng, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, có thể có hiện tượng xuất huyết dưới da, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược...

Nên kiêng: Đồ ăn thức uống như củ cải, hành tây, kinh giới, sa nhân, sơn tra, quế, hồi, gừng tươi, hạt tiêu, mã thầy, trà đặc, thuốc lá...

Với thể can khí uất kết

Chứng trạng: Tinh thần luôn bị ức chế, ngực bụng đầy tức hoặc đau nhói, tức nặng hạ sườn phải, hay thở dài, dễ cáu gắt, liệt dương, di mộng tinh, đại tiện táo lỏng thất thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền...

Nên kiêng: Đồ ăn thức uống như thịt mỡ, cơm nếp, mật ong, đại táo, long nhãn, nhân sâm, hoàng kỳ, hoàng tinh, trà đặc, bia rượu, cà phê...

Với thể can kinh thấp nhiệt

 Chứng trạng: Vàng da, vàng mắt, ngực sườn đau tức đầy trướng khó chịu, ăn kém, miệng đắng, hoa mắt chóng mặt, tai ù tai điếc, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện như đi kiết, rêu lưỡi dày nhờn, mạch hoạt sác...

 Nên kiêng: Đồ ăn thức uống như thịt vịt, thịt đầu lợn, thịt mỡ, thịt chó, thịt dê, đồ uống quá ngọt, long nhãn, long vải, ớt, hạt tiêu, hồi hương, đinh hương, thuốc lá, rượu, giấm quá chua, kim anh tử, khiếm thực, hạt sen...

Với thể tâm thận bất giao

Chứng trạng: Tinh thần bồn chồn không yên, mất ngủ, hay mê mộng, di mộng hoạt tinh, lưng đau gối mỏi, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, vã mồ hôi trộm, tai ù tai điếc, hay hồi hộp trống ngực, miệng khô họng khát, đi tiểu đêm nhiều lần, môi đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không có rêu, mạch tế sác...

 Nên kiêng: Đồ ăn thức uống có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, giấm quá chua, đại hồi, nhục quế, đinh hương, hành tây, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, trà đặc, rượu trắng, thuốc lá...
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, người suy yếu sinh lý không nên ăn nhiều rau răm, đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương.